Chứng khoán thế giới phân hóa trong phiên giao dịch ngày 24/3

Chứng khoán Âu-Mỹ chuyển động ngược chiều trong phiên 24/3 khi trên thị trường Phố Wall, cả 3 chỉ số chính đều tăng 1%, ngược lại, thị trường chứng khoán ở bên kia bờ Đại Tây Dương đều giảm.
Trên thị trường Phố Wall, cả ba chỉ số chính đều tăng hơn 1%. Khép phiên 24/3, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1% lên 34.707,94 điểm.
Chỉ số S&P 500 tiến 1,4% lên 4.520,16 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite khép phiên ở mức 14.191,84 điểm với mức tăng 1,9%.
Ngược lại, các thị trường chứng khoán ở bên kia bờ Đại Tây Dương đa phần đi xuống. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) để mất 0,1% xuống 14.273,79 điểm và chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) lùi 0,4% xuống 6.555,77 điểm.
Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 khi đóng cửa cũng hạ 0,2% xuống 3.863,39 điểm. Chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) là điểm sáng hiếm hoi tại châu Âu trong phiên này, khi vẫn tiến 0,1% lên 7.467,38 điểm.
Xem tin đầy đủ tại: VNPlus
Giá dầu và giá vàng trên thị trường thế giới diễn biến ngược chiều

Chốt phiên giao dịch ngày 24/3, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 đã giảm 2,3%, còn 112,34 USD; giá dầu Brent biển Bắc giảm 2,1%, còn 119,03 USD/thùng. Giá vàng tại Mỹ tăng 1,29%, lên 1.962,2 USD.
Trong phiên giao dịch ngày 24/3, giá “vàng đen” đã quay đầu giảm nhẹ sau phiên tăng giá mạnh vào ngày trước đó do những lo ngại về nguồn cung eo hẹp liên quan đến các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga – quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 2 thế giới sau Saudi Arabia.
Chốt phiên giao dịch tại thị trường New York (Mỹ), giá dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 đã giảm 2,59 USD/thùng (2,3%), còn 112,34 USD. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 5 đã giảm 2,57 USD/thùng (2,1%) còn 119,03 USD/thùng. Trong ngày giao dịch trước đó, giá dầu WTI và Brent đều tăng hơn 5%.
Xem tin đầy đủ tại: VNPlus
ECB cân nhắc mua thêm trái phiếu vì tác động từ tình hình Ukraine

Đầu tháng Ba, Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết họ sẽ kết thúc kế hoạch kích thích mua trái phiếu vào quý 3 năm nay, rồi tiến hành đợt tăng lãi suất đầu tiên trong hơn một thập kỷ sau đó.
Thành viên Hội đồng điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Isabel Schnabel, ngày 24/3 cho hay các quan chức sẽ xem xét mở rộng chương trình in tiền tới sau mùa Hè này nếu nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) rơi vào “suy thoái sâu” vì cuộc xung đột ở Ukraine.
Bà Schnabel, người có quan điểm “diều hâu” nhất trong số sáu thành viên hội đồng điều hành ECB, cho biết ngân hàng trung ương này đã bỏ ngỏ khả năng trên để đề phòng cho trường hợp các sự kiện diễn ra theo chiều hướng xấu hơn đối với khu Eurozone, vốn phụ thuộc nhiều vào khí đốt và các nguồn nguyên liệu khác của Nga.
Còn nếu tình hình vẫn trong tầm kiểm soát, ECB sẽ giữ vững quyết định trước đó. Vào đầu tháng 3/2022, ECB cho biết họ sẽ kết thúc kế hoạch kích thích mua trái phiếu vào quý 3 năm nay, rồi tiến hành đợt tăng lãi suất đầu tiên trong hơn một thập kỷ sau đó. Động thái trên được đưa ra khi khu vực châu Âu phải đối mặt với tình trạng lạm phát gia tăng đột ngột.
Xem tin đầy đủ tại: VNPlus
Ngân hàng lớn đổ hàng trăm tỷ USD cho khai thác nhiên liệu hóa thạch

30 tập đoàn tài chính niêm yết lớn nhất thế giới cung cấp 740 tỷ USD cho các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch vào năm 2020 và 2021, đứng đầu là JPMorgan với 81 tỷ USD.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu InfluenceMap có trụ sở tại London (Anh) công bố ngày 25/3 cho thấy các ngân hàng lớn tiếp tục đổ hàng trăm tỷ USD cho các dự án khai thác nhiên liệu hóa thạch, trái ngược với cam kết cắt giảm lượng khí thải carbon gây biến đổi khí hậu của họ.
Theo InfluenceMap, 30 tập đoàn tài chính niêm yết lớn nhất thế giới đã cung cấp 740 tỷ USD cho các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch vào năm 2020 và 2021, đồng thời nắm giữ hàng tỷ USD đầu tư nữa.
Nhóm cũng cho biết nhà cung cấp tài chính cho các dự án khai thác nhiên liệu hóa thạch lớn nhất là JPMorgan với 81 tỷ USD, Citigroup với 69 tỷ USD và Bank of America với 55 tỷ USD.
Xem tin đầy đủ tại: VNPlus
ADB: Thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam tăng 9,8%

Công bố báo cáo Giám sát Trái phiếu châu Á được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra ngày 25/3 cho thấy tổng lượng trái phiếu phát hành bằng đồng nội tệ của khu vực Đông Á mới nổi đã tăng 7,1%, lên tới mức cao nhất từ trước đến nay là 9.000 tỷ USD trong năm 2021.
Như vậy, trong ba tháng cuối năm 2021, tổng lượng trái phiếu bằng đồng nội tệ của Đông Á mới nổi đã tăng 3,6% so với quý trước, lên tới 22.800 tỷ USD. Trong giai đoạn từ 30/11/2021 đến 9/3, lãi suất trái phiếu trong khu vực đã tăng lên trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu và lãi suất gia tăng ở các thị trường tiên tiến.
Tại Việt Nam, mức tăng trưởng nhanh hơn trong cả phân khúc trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp đã thúc đẩy thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam tăng tới 9,8% so với quý trước, lên 91,5 tỷ USD vào cuối tháng 12/2021. Mức tăng trưởng hằng năm cũng nhanh hơn, lên tới 25,5%.
Cũng theo nội dung báo cáo, trái phiếu Chính phủ tăng 5,3% so với quý trước lên 65,3 tỷ USD. Lượng phát hành tăng vọt khiến phân khúc trái phiếu doanh nghiệp tăng 22,7%. Hiện tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành là 26,3 tỷ USD.
Xem tin đầy đủ tại: VNPlus