Lượng khí đốt của Nga đến châu Âu giảm theo yêu cầu khách hàng

Thị trường khí đốt châu Âu vẫn lo ngại dòng khí đốt từ Nga, vốn chiếm khoảng 40% nguồn cung của châu Âu, có thể ngừng khi phương Tây áp đặt thêm các lệnh trừng phạt liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine.
Theo yêu cầu của khách hàng, việc vận chuyển khí đốt của Nga đến châu Âu qua đường ống Yamal-Europe ngày 7/4 đảo ngược hướng để chảy từ Đức sang Ba Lan và nguồn cung qua Ukraine cũng giảm.
Dữ liệu từ nhà điều hành đường ống Gascade (Đức) cho thấy dòng khí đốt chuyển sang hướng Đông đến Ba Lan tại điểm đo Mallnow ở biên giới Đức-Ba Lan vào sáng ngày 7/4 sau khi chảy sang hướng Tây trong đêm.
Theo hãng tin Interfax, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua Ukraine theo yêu cầu của người tiêu dùng châu Âu, giảm từ 108,4 triệu m3 của ngày hôm trước đó xuống 105,4 triệu m3.
Xem tin đầy đủ tại: VNPlus
Các thành viên ECB chia rẽ về cách thức ứng phó với lạm phát

Trong khi một số thành viên ECB ưu tiên “cách tiếp cận chờ và xem,” một số thống đốc muốn có thêm các biện pháp để chống lạm phát, vì căng thẳng Nga-Ukraine đang đẩy giá cả tăng cao.
Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bất đồng về cách thức ứng phó với lạm phát đang tăng vọt và sự bất ổn kinh tế do căng thẳng Nga-Ukraine gây ra.
Trong cuộc họp hồi tháng Ba, Hội đồng điều hành ECB đã nhất trí nhanh chóng giảm lượng mua trái phiếu hàng tháng trong quý 2, đồng thời đảm bảo điều chỉnh linh hoạt thời điểm kết thúc chính sách kích thích kinh tế.
Cơ quan này cũng để ngỏ khả năng về một đợt tăng lãi suất sau “một thời gian” sau khi kết thúc chiến lược mua trái phiếu.
Xem tin đầy đủ tại: VNPlus
Nhật Bản xuất kho dầu dự trữ quốc gia nhằm hạ nhiệt vàng đen

Lượng dầu sẽ được Nhật Bản đưa ra thị trường là 15 triệu thùng, tương đương mức độ tiêu thụ dầu trong nước này khoảng 7-8 ngày và được thực hiện trong nửa năm với mức đưa là 80.000 thùng/ngày.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tối 7/4 đã thông báo nước này sẽ hợp tác với Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) “bơm” 15 triệu thùng dầu ra thị trường nhằm hạ nhiệt giá “vàng đen.”
Đây là lần đầu tiên Nhật Bản tung ra lượng dầu lớn từ kho dự trữ chiến lược quốc gia kể từ năm 1978. Lượng dầu sẽ được đưa ra thị trường là 15 triệu thùng, tương đương mức độ tiêu thụ dầu trong nước này khoảng 7-8 ngày và được thực hiện trong nửa năm với mức đưa là 80.000 thùng/ngày.
Trước đó một ngày, IAE đã quyết định đưa ra thị trường 120 triệu thùng dầu từ kho dự trữ của các nước thành viên, trong đó có 60 triệu thùng của Mỹ được rút từ kho dự trữ chiến lược.
Xem tin đầy đủ tại: VNPlus
Số tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước tháng 3 lập kỷ lục

Đến cuối tháng 3/2022, nhà đầu tư trong nước mở mới tổng cộng hơn 675.000 tài khoản chứng khoán, gần gấp đôi tổng lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020.
Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư trong nước tháng 3 lập kỷ lục lịch sử.
Cụ thể, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 270.217 tài khoản chứng khoán trong tháng 3, là mức kỷ lục lịch sử.
Số tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới trong tháng 3 tăng hơn 60.000 tài khoản so với tháng 2 và cao hơn gần 45.000 tài khoản so với đỉnh cũ đạt được vào tháng 12/2021.
Nhà đầu tư cá nhân tiếp tục mở mới 270.011 tài khoản và 206 tài khoản đến từ nhà đầu tư tổ chức. Như vậy, đến cuối tháng 3/2022, nhà đầu tư trong nước mở mới tổng cộng hơn 675.000 tài khoản chứng khoán, gần gấp đôi tổng lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020.
Xem tin đầy đủ tại: VNPlus
Vàng trong nước tăng giá mạnh, giao dịch ở mức 68,9 triệu đồng

Sáng nay, giá vàng thế giới tăng tới 13 USD/ounce so với cùng kỳ phiên trước, hiện giao dịch quanh ngưỡng 1.936 USD/ounce và kéo theo giá vàng trong nước tăng từ 100.000-380.000 đồng/lượng.
Mở cửa phiên sáng nay (8/4), hai thương hiệu vàng trong nước đảo chiều tăng từ 100.000-380.000 đồng mỗi lượng theo đà tăng của giá vàng thế giới.
Cụ thể, ngay khi mở cửa, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá mua và bán vàng SJC từ 68,25-68,90 triệu đồng, tăng 150.000 đồng/lượng.
Tương tự, tại Công ty Doji, giá vàng SJC được giao dịch từ 68,10-68,80 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng. Công ty Phú Quý niêm yết giá mua vào là 68,25 triệu đồng/lượng và bán ra là 68,85 triệu đồng/lượng, cũng tăng 100.000 đồng/lượng.
Xem tin đầy đủ tại: VNPlus