Trên toàn thế giới: Tin chính
Phố Wall diễn biến trái chiều do lo ngại về làn sóng dịch bệnh thứ 2, Dow Jones và S&P 500 dứt đà tăng 4 phiên liên tiếp
Kết thúc phiên 17/6, Dow Jones và S&P 500 đồng loạt rớt điểm sau 4 phiên liên tiếp ghi nhận diễn biến tích cực, khi các cổ phiếu được hưởng lợi nhiều nhất từ việc nền kinh tế mở cửa trở lại biến động cả phiên.
Dow Jones đóng cửa thấp hơn 170,37 điểm, tương đương 0,7%, ở mức 26.119,61 điểm. S&P 500 giảm 0,4% xuống 3.113,49 điểm. Nasdaq Composite lại có diễn biến vượt trội, tăng 0,15% lên 9.910,53 điểm.
Cổ phiếu của các hãng hàng không, nhà điều hành du thuyền và bán lẻ – các nhóm sẽ được hưởng lợi từ việc mở cửa lại nền kinh tế – đã chịu áp lực ở phiên này. United và Delta giảm hơn 1,8%, trong khi American Airlines giảm 0,3%. Carnival, Norwegian Cruise Line và Royal Caribbean đều mất hơn 6%. Nordstrom giảm 5,5% và Gap mất 5,4%. Cổ phiếu của các công ty này đã rớt điểm mạnh khi đại dịch bùng phát, nhưng lại trở thành nhóm dẫn dắt đà tăng của thị trường trong những tuần gần đây.
Sự trái chiều ở phiên này diễn ra trong bối cảnh lo ngại về làn sóng dịch bệnh thứ hai tăng cao. Bắc Kinh đã hủy một số chuyến bay nội địa để hạn chế sự lây lan. Hôm thứ Ba, nhiều hãng tin cho biết thành phố thủ đô của Trung Quốc đã đóng cửa tất cả các trường học do dịch bệnh lây lan trở lại. Trong khi đó, tại Mỹ, hơn 2,1 triệu trường hợp nhiễm nCoV đã được xác nhận, với các tiểu bang như Arizona và Texas báo cáo số ca nhiễm tăng đột biến.
Tin tức đầy đủ: CAFE F
Tỷ giá ngoại tệ ngày 18/6: Mỹ ngược dòng, USD tăng nhanh
Tỷ giá ngoại tệ ngày 18/6 diễn biến theo xu hướng đồng USD trên thị trường thế giới tăng nhanh sau khi chính quyền ông Donald Trump công bố các số liệu kinh tế tích cực.
Đầu giờ sáng 18/6, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23.239 đồng (giảm 1 đồng). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 23.175 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.650 đồng (không đổi).
Các ngân hàng thương mại giữ tỷ giá ngoại tệ đồng đô la Mỹ phổ biến ở mức 23.110 đồng (mua) và 23.200 đồng (bán).
Vietcombank và BIDV niêm yết tỷ giá ở mức: 23.110 đồng/USD và 23.290 đồng/USD. Vietinbank: 23.120 đồng/USD và 23.300 đồng/USD. ACB: 23.120 đồng/USD và 23.270 đồng/USD.
Đầu phiên giao dịch ngày 18/6 (giờ Việt Nam), trên thị trường thế giới, chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 97,27 điểm.
Đầu giờ sáng, đồng USD trên thị trường quốc tế tăng nhanh trở lại sau khi chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các số liệu kinh tế tích cực. Tuy nhiên, đồng bạc xanh được dự báo sẽ giảm mạnh về dài hạn.
Đồng bạc xanh tiếp tục duy trì được đà đi lên chủ yếu do nước Mỹ ghi nhận doanh số bán lẻ tăng kỷ lục. Các số liệu kinh tế lạc quan khiến nhiều nhà đầu tư đánh cược vào khả năng nước Mỹ sẽ giảm tốc độ bơm tiền, nhất là sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) gài một câu cho biết cơ quan này sẽ ngừng mua trái phiếu nếu “các chỉ số kinh tế tốt lên”.
Tin tức đầy đủ: VietNamNet
HSBC thắt hầu bao, cắt giảm 35.000 việc làm
Dự định cắt giảm tới 35.000 nhân viên trong kế hoạch tái cấu trúc HSBC công bố hồi tháng 2 nằm trong nỗ lực giảm chi phí hàng năm khoảng 4,5 tỷ USD của ngân hàng.
Theo South China Morning Post, HSBC dự định khôi phục kế hoạch cắt giảm nhân sự để tái cấu trúc công ty vốn đã tạm dừng vào tháng 3 bởi tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu.
Ông Noel Quinn, Tổng giám đốc điều hành ngân hàng HSBC, cho biết các biện pháp ban đầu này là một phần trong nỗ lực cắt giảm chi phí hàng năm khoảng 4,5 tỷ USD, nhấn mạnh sự cần thiết và chỉ ra rằng các dự báo kinh tế đều cho thấy tương lai thử thách phía trước.
Ông Quinn cho biết ngân hàng cho vay lớn nhất Hong Kong sẽ tiến hành cắt giảm số lượng nhân viên của mình từ khoảng 235.000 người hiện nay xuống 200.000 người trong trung hạn. Trước đó, ngân hàng cho biết tiến trình cắt giảm chi phí sẽ được thực hiện đầy đủ vào năm 2022.
“Tôi biết rằng đây sẽ không phải là tin tốt hoan nghênh và sẽ tạo ra sự lo lắng cùng bất an, nhưng tôi muốn công khai với mọi người về thực tế của tình hình hiện tại”, ông Quinn trao đổi với tờ South China Morning Post.
Kế hoạch cắt giảm nhân viên đã tạm hoãn vào tháng 3 khi đại dịch Covid-19 bùng phát và buộc nhiều thành phố lớn trên thế giới tạm khóa, đè nặng áp lực lên nền kinh tế toàn cầu.
Tin tức đầy đủ: Zing News
Ông Trump gia hạn thêm 1 năm các biện pháp trừng phạt Triều Tiên
TTO – Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 17-6 (giờ Mỹ) gia hạn các biện pháp trừng phạt hiện nay đối với Triều Tiên thêm một năm nữa với lý do là vì những “mối đe dọa bất thường” từ những hành động gần đây của Bình Nhưỡng.
Trong thông báo gửi tới Quốc hội, ông Trump viết rằng ông muốn tiếp tục duy trì “tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến Triều Tiên”, được công bố lần đầu tiên vào ngày 26-6-2008, thông qua sắc lệnh 13466.
Sắc lệnh 13466, được mở rộng thêm dưới thời chính quyền của ông Trump và những chính quyền trước đó, kêu gọi các biện pháp trừng phạt Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.
“Sự tồn tại và rủi ro của việc phổ biến vật liệu phân hạch có thể dùng trong vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và các hành động cũng như chính sách của chính phủ Triều Tiên tiếp tục đặt ra mối đe dọa to lớn và bất thường cho an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế Mỹ”, ông Trump viết để giải thích lý do gia hạn tình trạng khẩn cấp này trước ngày 26-6 năm nay.
Theo Tổng thống Trump, các hành động và chính sách của chính phủ Triều Tiên “gây mất ổn định bán đảo Triều Tiên và đặt các lực lượng vũ trang Mỹ, đồng minh và các đối tác thương mại trong khu vực vào vòng nguy hiểm”, theo báo The Korea Herald.
Theo quy định của luật pháp Mỹ, tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến Triều Tiên sẽ tự động chấm dứt nếu tổng thống không gia hạn lại trong vòng 90 ngày trước ngày 26-6 hàng năm.
Tin tức đầy đủ: Tuoitre
Đột phá mới về thuốc điều trị COVID-19: 63 USD điều trị 8 người
TTO – Triển vọng tìm thuốc đặc trị COVID-19 vừa nhận được tin tức tốt lành khi dexamethasone, một loại thuốc chống viêm giá rẻ và thông dụng, vừa được chứng minh có khả năng cứu sống đáng kể người bị bệnh COVID-19 nặng.
Nhiều nhà khoa học ca ngợi phát hiện trên như một “bước ngoặt lớn” trong đại dịch COVID-19.
63 USD điều trị 8 người
Các kết quả thử nghiệm bước đầu, chưa có sự bình duyệt của cộng đồng y khoa, được công bố ngày 16-6 cho thấy thuốc dexamethasone giúp giảm được khoảng 1/3 số ca tử vong trong những người bị COVID-19 nặng phải nhập viện. Những người bệnh COVID-19 không cần hỗ trợ hô hấp thì không ghi nhận tác dụng từ việc dùng dexamethasone.
Các nhà nghiên cứu chủ trì thử nghiệm thuốc này trong khuôn khổ chương trình lớn hơn có tên RECOVERY, đề nghị nên đưa dexamethasone lập tức trở thành phương pháp điều trị tiêu chuẩn với những ca bệnh COVID-19 bị nặng để không lãng phí thời gian và giành cơ hội sống quý giá cho người bệnh.
Nhóm nghiên cứu cũng nói sẽ tiếp tục hoàn thiện để công bố báo cáo khoa học chi tiết về thử nghiệm điều trị thuốc dexamethasone sớm nhất có thể.
Dù vậy, Bộ Y tế Anh không muốn lãng phí thời gian. Họ cho biết thuốc dexamethasone đã được cấp phép sử dụng trong dịch vụ y tế công. Anh cũng ra quy định hạn chế xuất khẩu và đã tích trữ lượng thuốc này đủ dùng cho khoảng 200.000 liệu trình điều trị.
Tin tức đầy đủ: Tuoitre
Giá vàng ngày 18.6.2020: SJC cao hơn thế giới 150.000 đồng/lượng
Giá vàng ngày 18.6 trong nước tăng nhẹ dù thế giới đi ngang.
Sáng nay (18.6), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tăng giá giao dịch vàng miếng thêm 50.000 đồng so với cuối ngày trước đó, lên 48,32 – 48,65 triệu đồng/lượng; hệ thống kinh doanh PNJ cũng tăng 70.000 đồng ở cả hai chiều mua và bán lên 48,37 – 48,62 triệu đồng/lượng. Ngược lại, hệ thống Doji ở Hà Nội giữ nguyên giá mua vàng miếng là 48,4 triệu đồng/lượng nhưng giảm 50.000 đồng ở chiều bán ra còn 48,55 triệu đồng/lượng.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho thấy trong 6 tháng đầu năm nay, lượng vàng bán ra của các cá nhân, công ty tăng đến 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, xét về số lượng, vàng miếng được mua vào vẫn nhiều hơn với 447.182 lượng trị giá 20.277 tỉ đồng, trong khi số bán ra đạt 441.618 lượng, giá trị 20.098 tỉ đồng.
Giá vàng trên thị trường quốc tế đầu ngày tăng nhẹ lên 1.728 USD/ounce trong khi hợp đồng vàng giao tháng 8 giảm nhẹ 0,05% xuống 1.735,6 USD/ounce. Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank, hiện giá vàng thế giới tương đương 48,5 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí), mức giá này thấp hơn vàng trong nước 150.000 đồng.
Nhiều thông tin tốt xấu đan xen lẫn nhau khiến giá vàng những ngày qua hầu như đi ngang. Nếu như báo cáo bán lẻ của Mỹ tháng 5 khá tích cực so với tháng 4 cũng như tiến trình về thuốc điều trị dịch Covid-19 khiến nhà đầu tư lạc quan, chứng khoán khởi sắc và phần nào làm giảm sức hấp dẫn của vàng thì nỗi lo về số ca nhiễm mới Covid-19 đang gia tăng. Trong ngày 17.6, Bắc Kinh đã hủy một số chuyến bay nội địa để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh đang bùng phát lại. Tại Mỹ, có hơn 2,1 triệu người đã nhiễm Covid-19, các bang như Arizona và Texas báo cáo số ca nhiễm đã nhảy vọt. Bên cạnh đó, căng thẳng đang leo thang ở bán đảo Triều Tiên và xung đột Ấn – Trung khiến nhà đầu tư muốn quay lại bỏ tiền vào các tài sản an toàn hơn…
Tin tức đầy đủ: Thanh Nien
Chủng virus ở Bắc Kinh nguy hiểm hơn nhiều ở Vũ Hán
Dân trí Giới chuyên gia Trung Quốc cho biết, chủng virus corona mới ở ổ dịch Covid-19 tại Bắc Kinh không giống bất cứ chủng virus nào ở nước này và lây lan nhanh hơn chủng virus ở Vũ Hán.
Dựa vào phân tích trình tự gen, các nhà khoa học Trung Quốc cho biết, chủng virus corona mới (SARS-Cov-2) ở ổ dịch Covid-19 Bắc Kinh có đặc điểm khác với các chủng virus tại các ổ dịch khác ở nước này.
Tiến sĩ Zeng Guang, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, cho biết, chủng virus SARS-Cov-2 tìm thấy ở chợ đầu mối Tân Phát Địa (Bắc Kinh) không giống với chủng virus tìm thấy ở Vũ Hán hồi tháng 1 năm nay.
“Các bằng chứng cho thấy rõ ràng rằng chủng virus ở Bắc Kinh khác với chủng virus được tìm thấy cách đây 2 tháng. Chủng virus này giống với chủng virus được tìm thấy ở các tâm dịch lớn ở các nước châu Âu. Vì thế có thể nói nó được đưa từ bên ngoài Trung Quốc vào Bắc Kinh”, chuyên gia dịch tễ Wu Zunyou của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, nhận định. Ông cho rằng, chủng virus này giống chủng virus ở châu Âu, Mỹ hoặc Nga.
Trong khi đó, Yang Zhanqiu, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu sinh học tại Đại học Vũ Hán, cũng cho biết với Thời báo Hoàn cầu rằng, virus SARS-Cov-2 ở Bắc Kinh dường như dễ lây lan hơn chủng virus tìm thấy ở tâm dịch Vũ Hán. Điều này có thể thấy qua số liệu thống kê về các ca Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng những ngày qua ở Bắc Kinh.
Theo số liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, trong ngày 17/6, nước này ghi nhận thêm 28 ca mắc Covid-19 mới, trong đó 21 trường hợp ở Bắc Kinh. Trong vòng chưa đầy 1 tuần qua, số ca lây nhiễm trong cộng đồng ở Bắc Kinh đã tăng thêm hơn 100 ca sau gần 2 tháng gần như không có ca mắc mới nào. Hầu hết các ca mắc Covid-19 mới này đều có liên hệ với chợ đầu mối Tân Phát Địa. Giới chức địa phương nói rằng, virus SARS-Cov-2 được tìm thấy ở thớt của một cơ sở kinh doanh cá hồi trong khu chợ.
Tin tức đầy đủ: Dan Tri
Ngoại trưởng Trung – Ấn thẳng thừng đổ lỗi, chỉ trích nhau về xung đột biên giới
(VTC News) – Ngoại trưởng Jaishankar nói với Vương Nghị rằng, Bắc Kinh đã “tính toán, lên kế hoạch trước” xung đột biên giới, trong khi Trung Quốc cáo buộc Ấn Độ tấn công trước.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar hôm 17/6 đã nói với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị rằng, cuộc xung đột đẫm mãu ở thung lũng Galwan là “tính toán, âm mưu từ trước” của Bắc Kinh nhằm chống lại binh sỹ nước này.
Ông Jaishankar cho rằng, động thái này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ song phương, đồng thời kêu gọi Trung Quốc thực hiện các bước đúng đắn tiếp theo.
Theo Deccan Chronicle, ông Jaishankar nói thẳng với ông Vương rằng Trung Quốc “đã muốn dựng lên một cấu trúc ở thung lũng Galwan”, bên phía Ấn Độ của Ranh giới Kiểm soát thực tế (LAC), từ đó thay đổi hiện trạng và chính “kế hoạch từ trước” này đã khiến cuộc đụng độ bạo lực diễn ra.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Trung Quốc cũng đáp trả với cáo buộc quân đội Ấn Độ tấn công quân Trung Quốc trước và yêu cầu Ấn Độ “điều tra tình hình kỹ lưỡng, trừng phạt nghiêm khắc người có trách nhiệm, kiểm soát nghiêm ngặt quân đội tiền tuyến”.
Ngoại trưởng Vương Nghị lên tiếng cảnh báo Ấn Độ “không đánh giá thấp ý chí của Trung Quốc trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ”.
Tin tức đầy đủ: VTC News
Hội đồng Doanh nghiệp Đông Á bàn giải pháp tái khởi động nền kinh tế
Chủ tịch VCCI cho biết các quốc gia Đông Á đã có nhiều nỗ lực trong việc hạn chế ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến sức khỏe người dân cũng như hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo tin từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, Kỳ họp Hội đồng Doanh nghiệp Đông Á (EABC) lần thứ 47 đã chính thức diễn ra theo hình thức hội đàm trực tuyến.
Kỳ họp có sự tham gia của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, đại diện cho 13 quốc gia Đông Á, bao gồm 10 nước ASEAN – trong đó có Việt Nam, cùng với 3 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Với tư cách Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Đông Á, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết các quốc gia Đông Á đã có nhiều nỗ lực trong việc hạn chế ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến sức khỏe người dân cũng như hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Trong bối cảnh hiện nay, để đối phó và từng bước vượt qua những thách thức hiện hữu do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 gây ra, đại diện các nền kinh tế Đông Á tập trung thảo luận nhiều giải pháp có liên quan tới Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP), thúc đẩy kinh tế số và hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Thông tin về kết quả hội nghị, Chủ tịch VCCI cho biết hội đồng khuyến nghị các Chính phủ cần đẩy nhanh tiến trình hoàn tất và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực.
Tin tức đầy đủ: VietnamPlus