Trên toàn thế giới: Tin chính
TT Trump tiếp tục đe dọa cắt quan hệ ‘hoàn toàn’ với Trung Quốc
Tổng thống Trump cảnh báo Mỹ có quyền lựa chọn tách khỏi nền kinh tế Trung Quốc, bất chấp việc hai bên cam kết hướng đến một thỏa thuận thương mại.
Mỹ “chắc chắn có duy trì lựa chọn chính sách về việc tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc, dưới nhiều điều kiện khác nhau. Cảm ơn các bạn!”, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter hôm 18/6.
Ông Trump cho biết ông đang trả lời sau các bình luận của Đại diện Thương mại Robert Lighthizer, người đứng đầu phía Mỹ trong các cuộc đàm phán chiến tranh thương mại với Bắc Kinh.
Ông Lighthizer nói với một ủy ban quốc hội hôm 17/6 rằng Trung Quốc cho đến nay vẫn tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận “giai đoạn một” giúp giảm thiểu căng thẳng thương mại, nhưng việc tách rời hai nền kinh tế khổng lồ hiện tại là bất khả thi.
“Đó là lựa chọn chính sách từ nhiều năm trước, nhưng tôi không nghĩ đó là chính sách hay lựa chọn chính sách hợp lý tại thời điểm này”, ông Lighthizer nói, theo AFP.
Ông Lighthizer tự mô tả mình là người cứng rắn trong chính sách đối với Trung Quốc. Ông cũng là người vạch ra kế hoạch của chính quyền Trump về việc “thiết lập lại” Tổ chức Thương mại Thế giới, chủ yếu để có thể kiềm chế tốt hơn các chính sách của Bắc Kinh mà theo ông là vi phạm các quy định về thương mại tự do.
Tin tức đầy đủ: Zing News
Kinh tế Đức mất khoảng 390 tỷ euro do dịch bệnh COVID-19
Một số chuyên gia kinh tế đánh giá Đức đang rơi vào cuộc suy thoái sâu sắc, trong đó GDP của nước này có thể sẽ giảm trong khoảng từ 6,3-7% trong năm nay.
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn báo cáo của Viện Kinh tế thế giới Kiel (IfW) ngày 18/6 ước tính, nền kinh tế Đức sẽ thiệt hại hơn 390 tỷ euro vào năm 2020 và 2021 do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo IfW, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế hàng đầu châu Âu sẽ giảm 6,8% trong năm 2020, mức giảm lớn nhất kể từ khi thành lập Cộng hòa liên bang.
Nhật báo Frankfurter dẫn lời một số chuyên gia kinh tế đánh giá Đức đang rơi vào cuộc suy thoái sâu sắc, trong đó GDP của nước này có thể sẽ giảm trong khoảng từ 6,3-7% trong năm nay. Ngoài ra, người ta cũng không chắc chắn liệu nước này có đối mặt với làn sóng bùng phát mới hay không.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã chạm đáy vào tháng 4/2020. Với các biện pháp nới lỏng bắt đầu vào tháng 5/2020, nhiều công ty cũng đã nhanh chóng bù đắp một số tổn thất trong sản xuất.
Tuy nhiên, sự phục hồi hoàn toàn từ cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ phải mất một thời gian. Mặt khác, nhiều quốc gia là khách hàng của Đức cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu.
Trong diễn biến liên quan, truyền thông Đức dẫn số liệu của Văn phòng thống kê liên bang cho biết, khủng hoảng dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch Đức.
Tin tức đầy đủ: VietnamPlus
Châu Âu tìm cách giảm ảnh hưởng kinh tế Mỹ – Trung
Lo ngại Trung Quốc và Mỹ đang tạo ra ảnh hưởng quá lớn đối với nền kinh tế, các quốc gia châu Âu đang tìm đường thoát.
Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch củng cố hệ thống phòng vệ chống lại các công ty nước ngoài được nhà nước trợ cấp, đánh dấu sự gia tăng mạnh mẽ trong nỗ lực của khối nhằm vừa làm giảm những ảnh hưởng từ Trung Quốc và Mỹ vừa bảo vệ lợi ích kinh tế của mình.
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 17/6 đưa ra các lựa chọn để khắc phục cái mà họ gọi là những biến dạng thị trường xuất phát từ các công ty nước ngoài được nhà nước trợ cấp. Đề xuất nhằm ngăn chặn các công ty nước ngoài nhận trợ cấp nhà nước dưới mọi hình thức được mua lại các công ty châu Âu hay cạnh tranh với họ cho một số loại hợp đồng trong khối EU.
Giới quan sát cho rằng động thái này chủ yếu nhắm vào các công ty nhà nước Trung Quốc, nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng tới những đối thủ đến từ Mỹ.
Các biện pháp hạn chế được đề xuất sau khi một số nước châu Âu, gồm Pháp, Đức, Italy, thắt chặt kiểm soát đầu tư nước ngoài nhằm bảo vệ các công ty trong nước rơi vào tay nhà đầu tư Mỹ và Trung Quốc. Những đề xuất này phù hợp với sự thay đổi thái độ của EU đối với Trung Quốc trong một năm qua, khi khối bắt đầu coi Bắc Kinh là một đối thủ kinh tế, chính trị.
“Chúng ta cần những công cụ phù hợp để đảm bảo rằng các công ty nước ngoài được nhà nước trợ cấp không làm méo mó thị trường của mình”, Phó chủ tịch EC Margrethe Vestager phụ trách về cạnh tranh và chính sách số, nói. “Không phải vì châu Âu không có viện trợ từ nhà nước mà là vì chúng ta có sự minh bạch và cơ chế kiểm soát các nguồn trợ cấp. Đối với các công ty nước ngoài, chúng ta không thể kiểm soát”.
Tin tức đầy đủ: VnExpress
Diễn biến lạ: Tỷ giá USD/VND giảm sâu 1 tháng ròng
Tỷ giá USD/VND liên tục rơi sâu trên các thị trường trong khoảng một tháng qua.
Ngày 18/6, giá USD bán ra của các ngân hàng thương mại phổ biến quanh 23.290 VND. Nếu so với đợt biến động hồi tháng 3/2020, người gom mua USD ở Việt Nam đã “đứt tay” gần 2% chỉ sau hơn hai tháng.
Ở một kênh phi chính thức, nếu người mua mua được ở thị trường tự do, giá mua USD thậm chí còn “rẻ” hơn mua tại các ngân hàng thương mại (NHTM).
Trên biểu niêm yết của các NHTM, giá USD đã gần trở lại vạch xuất phát đầu năm. Còn so với đỉnh đợt biến động hồi tháng 3, mức giảm đã gần 2%, tập trung trong khoảng một tháng gần đây.
Vậy vì sao tỷ giá USD/VND rơi sâu vậy?
Trước hết, về cân đối cung – cầu ngoại tệ trên thị trường, nguồn cung USD trở nên dồi dào suốt 5 quý vừa qua.
Trong năm 2019, cán cân tổng thể thặng dư kéo dài quy mô lớn: quý I thặng dư 7,21 tỷ USD, quý II thặng dư 1,93 tỷ, quý III thặng dư 4,85 tỷ và quý IV thặng dư tới 9,26 tỷ USD. Nối tiếp sang quý I/2020, thặng dư khá cao với 3,116 tỷ USD.
Nhìn lại, với thông tin Thống đốc Lê Minh Hưng từng đưa ra, năm 2019 Ngân hàng Nhà nước mua ròng khoảng 20 tỷ USD. Với trạng thái thặng dư lớn nói trên, vẫn còn phần dôi dư trên thị trường mà đầu mối này chưa mua hết, khá lớn với khoảng hơn 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, thống kê cán cân tổng thể thường đi cùng khoản mục lỗi và sai sót; kinh tế ngầm tại Việt Nam khó lượng hóa cụ thể. Theo đó, lượng ngoại tệ từng găm giữ trong dân cư chuyển đổi là một ẩn số.
Tin tức đầy đủ: VietNamNet
Trung Quốc tìm thấy dấu vết Covid-19 trong hải sản, thịt tại chợ ở Bắc Kinh
Trung Quốc phát hiện thịt và hải sản ở khu chợ đầu mối Tân Phát Địa ở thủ đô Bắc Kinh bị nhiễm nặng virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19.
Reuters ngày 19.6 dẫn lời ông Ngô Tôn Hữu, nhà dịch tễ của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Trung Quốc, cho hay ông nghi ngờ nhiệt độ thấp và độ ẩm cao tại chợ Tân Phát Địa ở Bắc Kinh có thể là yếu tố góp phần khiến virus gây bệnh Covid-19 lây lan.
Cũng theo ông Ngô, trong số các bệnh nhân Covid-19 làm việc tại chợ Tân Phát Địa, hầu hết là những người phục vụ tại các quầy bán hải sản và thủy sản, tiếp đến là những người bán thịt bò và thịt cừu.
Ngoài ra, bệnh nhân từ khu bán hải sản có triệu chứng của bệnh Covid-19 sớm hơn những người khác, theo chuyên gia Ngô.
Nhà dịch tễ Trung Quốc nói thêm điều tra sơ bộ cho thấy nhiệt độ thấp cùng độ ẩm cao là môi trường thuận lợi cho SARS-CoV-2 sống sót lâu trên bề mặt bên ngoài và phân tán, song ông cảnh báo cần nghiên cứu thêm về vấn đề này.
Tin tức đầy đủ: Thanh Nien
Chuyên gia: Ổ dịch COVID-19 mới ở Bắc Kinh đã được kiểm soát
(VTC News) – Ông Ngô Tôn Hữu, Chuyên gia trưởng về dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc cho biết dịch COVID-19 ở Bắc Kinh đã được kiểm soát.
Ông nói thêm rằng số ca bệnh mới có thể tiếp tục tăng lên trong những ngày tới, nhưng đây sẽ chỉ là những ca mắc bệnh từ trước.
“Số ca mới được báo cáo không tương đồng với số ca nhiễm mới”, ông cho biết. “Nếu chúng ta vẽ một biểu đồ, đỉnh điểm đợt nhiễm mới sẽ là 13/6”.
Chuyên gia Ngô Tôn Hữu nói thêm Bắc Kinh đã dự liệu được tình hình này bởi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới và hoàn toàn có thể bùng phát ở bất cứ địa phương nào ở Trung Quốc.
Bắc Kinh ghi nhận 21 ca COVID-19 mới hôm 17/6, nâng tổng số ca kể từ khi ổ dịch mới bùng phát lên 158.
Thành phố vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt kiểm soát ổ dịch. Tuy nhiên ông Pan Xuhong, Phó cảnh sát trưởng Bắc Kinh, phủ nhận việc thành phố đang bị phong tỏa gần như hoàn toàn. “Đây là những biện pháp kiểm soát chính xác, nhắm đến những đối tượng khác nhau. Chúng tôi đã khuyên người dân không rời Bắc Kinh đến các tỉnh thành khác”.
Ông Pan cho biết các cơ quan vận tải hàng không và đường sắt dân dụng đã bị cấm bán vé cho bất kỳ ai được xác nhận hoặc nghi ngờ mắc COVID-19, cũng như những người liên hệ thân thiết với họ, và những người đã đến Tân Phát Địa. Những cư dân khác được khuyên không nên rời khỏi thành phố, nếu có, họ sẽ phải xét nghiệm COVID-19.
Tin tức đầy đủ: VTC News
Giá vàng SJC tiếp tục giảm ngược chiều thế giới
Dân trí Sáng nay 19/6, giá vàng SJC tiếp tục điều chỉnh giảm 50.000 đồng/lượng trong khi giá vàng thế giới đang trong xu hướng đi lên.
Phiên giao dịch sáng nay 19/6, giá vàng SJC tại Hà Nội qua niêm yết của một số doanh nghiệp vàng lớn giao dịch tại mức 48,38 triệu đồng/lượng (mua vào) – 48,55 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và 48,39 triệu đồng/lượng – 48,54 triệu đồng/lượng đối với giao dịch bán buôn.
Các mức giá này điều chỉnh giảm nhẹ mỗi chiều 20.000 đồng/lượng và 50.000 đồng/lượng so với cuối phiên hôm qua.
Tại TPHCM, giá vàng SJC được doanh nghiệp niêm yết giao dịch ở mức 48,38 triệu đồng/lượng – 48,67 triệu đồng/lượng, giảm 20.000 đồng/lượng.
Trên thế giới, giá vàng giao ngay tại châu Á qua niêm yết của Kitco.com hiện có biên độ tăng 4,5 USD, giao dịch ở mức 1.727,4 USD/ounce.
Giá vàng bật tăng trong phiên sáng nay được giới đầu tư đánh giá là do tác động bởi những căng thẳng tại bán đảo Triêu Tiên sau khi Bình Nhưỡng cho phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều ở biên giới hai nước; đại dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều khu vực trong đó có Bắc Kinh; cùng với khả năng Ấn Độ trừng phạt kinh tế Trung Quốc…
Hôm qua, giá vàng thế giới hạ nhiệt trong bối cảnh giới đầu tư đang đánh cược vào triển vọng hồi phục nhanh hơn của nền kinh tế Mỹ. Ngày 17/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định Mỹ sẽ không đóng cửa các doanh nghiệp một lần nữa, dù một số bang ở nước này ghi nhận số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gia tăng.
Ngoài ra, giá vàng còn chịu sức ép khi đồng USD đang mạnh lên bởi các ý kiến gần đây từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hỗ trợ đồng tiền này. Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 17/6 cho biết, nền kinh tế Mỹ bắt đầu phục hồi sau cuộc khủng hoảng tồi tệ do tác động từ dịch Covid-19. Nhưng với khoảng 25 triệu người Mỹ đã mất việc làm và đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ cần thêm sự giúp đỡ.
Tin tức đầy đủ: Dan Tri
Oằn mình vì đại dịch, giới nhà giàu ngậm ngùi nhìn khối tài sản ‘bốc hơi’ nhanh hơn cả trong khủng hoảng tài chính
Theo một nghiên cứu của Boston Consulting Group, sự biến động của thị trường cùng với tác động kinh tế của đại dịch có thể khiến khối tài sản trên toàn cầu mất 16 nghìn tỷ USD trong năm nay. Hơn nữa, tình trạng ở hiện tại có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tài sản trong 5 năm tới.
Giới nhà giàu vẫn ngày càng giàu hơn. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng do Covid-19 châm ngòi có thể làm chậm tốc độ tích lũy tài sản của họ trong nhiều năm tới. Theo một nghiên cứu của Boston Consulting Group, sự biến động của thị trường cùng với tác động kinh tế có thể khiến khối tài sản trên toàn cầu mất 16 nghìn tỷ USD trong năm nay. Hơn nữa, tình trạng ở hiện tại có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tài sản trong 5 năm tới.
Đà tăng kéo dài cả thập kỷ của thị trường chứng khoán đã giúp các triệu phú và tỷ phú trên thế giới củng cố thêm khối tài sản với mức tăng gấp đôi so với nhóm người thu nhập trung bình và người nghèo. Hiện tại, sự phụ thuộc tương tự vào thị trường có thể khiến khối tài sản của họ đối mặt với rủi ro, nếu biến động do dịch bệnh tạo ra còn tiếp diễn trong nhiều năm.
Nghiên cứu của BCG cho thấy, khối tài sản tài chính cá nhân năm ngoái đã đạt mức 226 nghìn tỷ USD, tăng 9,6% từ năm 2018 và đây là tốc độ tăng trưởng hàng năm mạnh nhất kể từ năm 2005. Từ năm 2019 đến 2024, sự tăng trưởng của khối tài sản trên toàn cầu có thể chậm lại, với tốc độ tăng trưởng thường niên là 1,4% nếu kịch bản xấu nhất mà BCG dự đoán diễn ra. Theo ước tính, tốc độ phục hồi nhanh chóng sẽ ở mức 4,5%.
Anna Zakrewski – trưởng nhóm quản lý tài sản của BCG và nhóm trưởng báo cáo này, cho biết: “Nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ tốc độ hồi phục chậm chạp và tác động kéo dài của đại dịch là những người giàu nhất và tỷ phú, đơn giản là bởi họ tiếp rất nhiều với thị trường chứng khoán và những biến động của thị trường.”
Theo báo cáo này, số triệu phú USD trên toàn cầu đã tăng gấp 3 lần trong 20 năm qua lên mức 24 triệu, với hơn 2/3 đến từ Bắc Mỹ, và hiện họ đang nắm giữ hơn một nửa khối tài sản tài chính. Điều này có nghĩa là người giàu ở khu vực này và Nhật Bản sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất nếu kịch bản tồi tệ nhất xảy ra. Cả 2 khu vực sẽ chứng kiến sự sụt giảm diễn ra trong 5 năm.
Tin tức đầy đủ: CAFE F